Đình Phấn Dũng, Phường Anh Dũng, Quận Dương Kinh, Thành phố Hải Phòng, thờ phụng Ngài Hải Công, tên húy là Phạm Hải, tước phong Nam Hải Đại Vương - Người có công giúp dân khai hoang lấn biển, lập làng, chiêu mộ quân sĩ chống giặc ngoại xâm.
Đình Phấn Dũng, Dương Kinh, thờ phụng ngài Nam Hải Đại vương
Phạm Hải là công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của
nhân dân làng Phấn Dũng (nay thuộc tổ dân phố Phấn Dũng 1, Phấn Dũng 2, Phường
Anh Dũng). Cũng như bao ngôi đình làng Việt Nam ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tên
di tích luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã. Do vậy,
Đình Phấn Dũng là tên gọi của di tích này
Quận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm về phía Đông Nam,
cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí là cầu nối giao
lưu giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông
đa dạng, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập
trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.
Anh Dũng là một phường thuộc Quận Dương Kinh, trên địa bàn
quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh
quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó
Đình Phấn Dũng – Phường Anh Dũng, là một trong số các di tích lịch sử - văn hóa
được UBND thành phố công nhận cấp thành phố, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa
và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.
Từ xa xưa, vùng đất này được hình thành do quá trình tích tụ,
trầm tích và lắng đọng phù sa của sông Lạch Tray. Theo thần phả của các làng Tiểu
Trà, Trà Khê, Phấn Dũng, Hùng Duệ Vương thứ 18 đã phái tướng công Phạm Hải (Hải
Công) về vùng này giúp dân chúng khai hoang, lấn biển, lập làng, chiêu mộ quân
sĩ, tổ chức huấn luyện chống giặc.
Trải qua nhiều thế kỷ, dân cư ở các xứ lần lượt tìm đến vùng
đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Công cuộc khai hoang, lấn biển, cải tạo đồng đất
chua mặn diễn ra hết sức gian nan, bền bỉ từ đời này sang đời khác, mọi người
cùng nhau đoàn kết, lao động cần cù sáng tạo, cộng đồng dân cư được hình thành
và phát triển đến ngày nay.
Làng Phấn Dũng xưa (nay là Tổ dân phố Phấn Dũng 1, Phấn Dũng
2, thuộc Phường Anh Dũng), từ trước năm 1813 là xã Phấn Đường, tổng Nghi Dương,
huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, sau đổi thành Phấn Dũng. Hiện
nay, Phấn Dũng có 6 dòng họ lớn: họ Tạ từ Tiểu Trà đến ở lâu đời nhất đã có 19
đời. Họ Ngô được 18 đời, họ Phạm từ Tràng Cát, Cát Bi sang được 14 đời, tiếp đến
là các dòng họ Nguyễn, Vũ, Lê hợp thành họ tứ tính cùng giỗ tổ chung là những bậc
tiên công có công lập ra làng Phấn Dũng (trích Lý lịch di tích lịch sử Đình Phấn
Dũng, biên soạn ngày 22/10/2013).
Đình Phấn Dũng, địa chỉ tại Tổ dân phố Phấn Dũng 1 - Phường
Anh Dũng, Quận Dương Kinh, Thành phố Hải Phòng là một trong những nơi thờ phụng
Ngài Nam Hải Đại Vương - Người có công giúp dân khai hoang lấn biển, lập làng,
chiêu mộ quân sĩ chống giặc ngoại xâm
Ngài là Hải Công tên húy của ngài là Phạm Hải, ngài sinh
ngày 10/ 08 năm Canh Dần quê ở phường
Nam Mai, Châu Bố Chính, cha là Phạm Xuyến, mẹ là Phùng thị Quang.
Ngài là danh tướng tâm phúc của Tản Viên Sơn Thánh con rể
vua Hùng Duệ Vương. Được nhà Vua phong tước giữ chức “Đô đài thiên quan, Đại
Nguyên soái”, thống lĩnh thủy đạo giúp dân đắp đê chống nạn lụt lớn và trừ dịch
bệnh cho nhân dân hai huyện Nghi Dương, An Lão và lập trang trại ngay trên đất
Tiểu Trà xưa. Ngài đã xây dựng vùng này từ vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt,
quanh năm lũ lụt trở thành một vùng trù phú, dân cư đông đúc.
Khi quân Thục Phán sang xâm lược, trước sức tấn công như vũ
bão của hàng trăm vạn quân địch và nguy cơ mất nước Nhà vua đã cho triệu Sơn
Thánh về bàn kế sách đánh giặc. Sơn Thánh triệu Hải Công về thống lĩnh 30 vạn
quân, tuyển chọn 25 trai tráng của 3 khu Tiểu Trà làm thủ túc cận vệ. Dưới tài
chỉ huy của Sơn Thánh và Hải Công, tướng quân ta tiến đánh tới đâu quân địch đều
bỏ chạy và đầu hàng đến đó.
Chỉ trong nửa tháng quân Thục chúa đã phải rút về bản bộ.
Sơn Thánh và Hải Công làm biểu tấu tin thắng trận. Vua ban chiếu cho rút về và
gia phong đẳng cấp cho tướng sĩ. Ngài Hải Công khước từ chức tước chỉ xin nhà
vua ban chiếu gia phong đẳng cấp cho các
tướng sĩ trận vong, ban bổng lộc cho gia đình họ, gia ân khen thưởng cho binh
lính có công, ông xin được bái tạ Vương triều trở về quê cũ lễ cáo yết gia tiên,
thờ cúng tổ đường.
Ông lưu lại quê nhà 5 - 6 tháng. Vào một hôm trời đất tối
tăm, bờ biển cuộn sóng dữ dội các loài tôm cá hải tộc kéo về quần tụ ven bờ bể
Nam Hải. Lúc ấy ngài đi xuống phía Nam cửa bể và hóa thân tại đó.
Hôm đó là ngày 12/4
(âm lịch). Vua Hùng Duệ Vương cảm nghĩ
công lao to lớn của ngài nên đã tiến phong ngài làm Nam Hải Đại Vương
cho ba khu Tiểu Trà xưa, rước sắc về thờ phụng ngài mãi mãi. Trải qua các triều
đại các bậc đế vương đều gia phong, cấp sắc ban thêm mỹ tự ca ngợi công đức của
ngài.
Đình được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 22 (1869). Trên thanh
câu đầu tòa trung đường còn ghi dòng chữ Hán: “Tự Đức nhị thập nhị niên mai
nguyệt, cốc nhật, lương thời, Tuế thứ Kỷ Tỵ niên Quý Đông, sơ bát nhật thụ trụ
thượng lương”. Như vậy, vào năm Tự Đức 22 (1869) đặt chồng nóc khánh thành tòa
trung đường.
Đình xưa có quy mô kiến trúc khá đồ sộ, mặt bằng kiểu “tiền
nhất hậu đinh”, kết cấu bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, mái kiểu chéo đao tàu
góc. Hai bên đình có nhà tả vu, hữu vu. Nghi môn đình xây kiểu cột đồng trụ;
hai bên có tả môn hữu môn. Phía trước sân đình có hồ bán nguyệt, xung quanh có
nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát sum suê.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 1947, thực hiện
tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ mái ngói của đình bị dỡ để cho địch không có nơi
đồn trú. Năm 1962, toàn bộ phần khung gỗ còn lại của 5 tiền đường tiếp tục bị
tháo dỡ để lấy vật liệu làm công trình công cộng. Thời gian này đình chỉ còn kiến
trúc khung gỗ của tòa trung đường và hậu cung. Rất may sau này nhân dân đã lợp
tạm bằng mái tôn để chống mưa nắng làm hỏng đình.
Năm 2011, đình được nhân dân đóng góp công đức, phục dựng lại
5 gian tiền đường bằng vật liệu bê tông cốt thép. Tháng 9 năm 2013, đình Phấn
Dũng được nhân dân long trọng khánh thành.
Ngày 17/01/2014 Đình Phấn Dũng đã được UBND thành phố Quyết
định công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.
Đình vẫn tọa lạc trên nền đất cũ, bố cục kiểu “tiền nhất hậu
đinh”, gồm 5 gian đại đình, 4 gian trung đình và 2 gian hậu cung. Hai tòa trung
đình và hậu cung còn nguyên kết cấu kiến trúc gỗ mang phong cách nghệ thuật thời
Nguyễn thế kỷ 19; tòa đại đình được phục dựng lại hoàn toàn bằng chất liệu bê
tông cốt thép.
Quang cảnh Đình Phấn Dũng tháng 3 năm 2019
Đình hướng tây và ở vị trí trung tâm của làng Phấn Dũng xưa
(nay là tổ dân phố Phấn Dũng 1, Phấn Dũng 2). Khuôn viên đình hiện có diện tích
khá rộng 3705 m2. Với các hạng mục hồ bán nguyệt, nghi môn, sân đình. Hai bên tả,
hữu sân đình có hai tấm bia lớn ghi tên những tập thể, cá nhân có công đức
trùng tu, tôn tạo đình. Qua một khoảng sân rộng, lát gạch bát tràng là công
trình chính, đó là đại đình.
Đại đình được phục dựng bằng chất liệu bê tông, cốt thép,
mái làm kiểu chéo đao, tàu góc, lợp ngói mũi hài. Đầu đao đắp rồng chầu phượng
đón, tạo cho mái đình thêm phần bay bổng. Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng
kìm ngậm bờ nóc, hai bờ dải phía trước đắp con xô (con nghê). Các con giống
(linh thú) đều được trang trí bằng mảnh gốm hoa lam và tạo dáng câu đối hài
hòa, đẹp mắt. Hai bức tường phía trước tòa đại đình được trổ hai ô cửa sổ tròn,
trong lồng hai chữ cách điệu.
Kết cấu khung chịu lực của tòa đại đình gồm 6 bộ vì được làm
bằng bê tông cốt thép, các bộ vì liên kết với nhau bởi hệ thống xà thượng, xà hạ,
tạo sự chắc chắn cho công trình. Vì nóc làm kiểu chồng đấu giá chiêng, vì nách
chồng rường tạo cốn mê. Hoa văn trang trí đề tài đấu sen, lá lật cách điệu.
Tiếp đến là tòa trung đường, trung đường còn nguyên vẹn hệ
thống khung gỗ, niên đại Tự Đức 22 (1869). Kết cấu vì nóc kiểu chồng đấu giá
chiêng, phần giữa giá chiêng tạo mảng cốn, mặt cong chạm nổi, chạm bong kênh đôi
chim phượng chầu.
Tại tòa hậu cung, tiếp giáp giữa tòa trung đường và tòa hậu
cung có mặt bức chạm nổi, chạm bong kênh đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Đặc biệt
ở phần vì kèo gian giữa hậu cung được trang trí dày đặc các mảng chạm khắc với
đề tài tứ linh. Vì nóc được chạm thủng, chạm bong kênh hình hổ phù hàm thư; vì
nách chạm nổi, chạm bong kênh để tải long cuốn thủy. Có lẽ phần hậu cung (cung
cấm) là nơi vị thành hoàng ngự và là nguồn thiêng, cho nên các mảng trang trí,
chạm khắc cầu kỳ tinh xảo nhất đều tập trung tại đây.
Tại Đình còn lưu giữ 01 chiếc kỷ thờ mặt hình chữ nhật, chân
thẳng (thế kỷ 20); 01 chiếc kỷ thờ hình chữ nhật, chân quỳ dạ cá (thế kỷ 20);
03 mâm mịch gỗ niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tất cả đều làm bằng chất
liệu gỗ tốt, sơn son thiếp bạc, phủ hoàn kim.
Tượng thờ Ngài được tạc kiểu tròn, kích thước tương đương
người thường. Tượng ngồi trên bề mặt khám thờ, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc
triều phục, chân đi hia; tay phải đặt nghiêng trên gối phải, lòng bàn tay quay
vào trong, tay trái đặt úp trên gối trái, mặt vuông chữ điều, râu ba chòm, long
mày lưỡi mác, mắt sáng nhìn thẳng, thần thái uy nghi.
Đại tự hình chữ nhật, khung, diềm trang trí hoa văn dây leo,
chạm gấm, nền sơn son, chữ vàng, niên đại
tạo tác thời Nguyễn đầu thế kỷ 20, Ất Hợi niên (1935). Nội dung ghi chữ
Hán: “Thủy đức linh trường”.
Chính giữa có một đôi câu đối phẳng , được làm từ đầu thế kỷ
20, nền sơn son, chữ vàng, nội dung chữ Hán:
- Vế thứ nhất ghi: Vạn lý ba bình khởi duy ngã Nghi Dương nhất
quận;
- Vế thứ hai ghi: Thiên thu hương hỏa kim trường tại Trà
Lĩnh tam trang.
Một số nội dung câu đối ghi ở các trụ xây:
Câu 1: - Chúc thánh thọ tán hoàng đồ đồng nhật nguyệt quang
huy vạn cổ;
- Kỷ dân
an kỳ vật chuẩn tịnh sơn hà tráng cổ thiên thu.
Câu 2: - Công tại Hải Công danh tại vị;
- Tôn
nghiêm đình vũ kế tiền nhân.
Câu 3: - Bổ tạo cảnh quan lưu hậu thế;
- Sinh vi
lương tướng tử vi thần.
Trải qua thời gian tu tạo, sửa chữa tòa hậu cung, phần mái
và gỗ đã được thay thế vào tháng 10 năm 2022, nhưng vẫn theo kiến trúc và trạm
khắc như kiến trúc cũ.
Nơi đây hiện còn lưu giữ các sắc phong từ đời Vua tự Đức đến
vua Khải Định.
Quang cảnh của Đình nhiều cây cổ thụ có từ lâu đời, cùng nhiều
loài hoa, cây ăn trái, quanh năm xanh tốt
Hồ bán nguyệt tại khuôn viên Đình
Nơi ghi danh các tổ chức, cá nhân có công lớn trong đóng góp
xây dựng, tu sửa Đình
Nghi môn, sân Đình Phấn Dũng
Đại đình, Đình Phấn Dũng
Lễ Thượng Lương (đặt nóc) Đình Phấn Dũng, sau quá trình tu tạo,
ngày 07 tháng 10 năm 2022 (12/9 Nhâm Dần)
Lễ rước truyền thống từ Nhà văn hóa ra Đình Phấn Dũng với quy mô, trang trọng được các dòng họ, nhân dân hào hứng tham gia
Đồng chí Vũ Quốc Bình - PBT Đảng uỷ - Chủ tịch UBND
phường, Trưởng Ban quản lý di tích phường Anh Dũng đánh trống khai mạc Lễ
hội truyền thống Đình Phấn Dũng
Một số trò chơi dân gian như cờ tướng, bắt vịt, cầu khỉ, chọi
gà, kéo co trong chương trình lễ hội được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia
Đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn phục vụ nhân dân trong chương
trình Lễ hội xuân Đình Phấn Dũng hàng năm
Ngày giỗ của Ngài được Ban khánh tiết Đình thông báo rộng
rãi để nhân dân và thập phương về bái yết.
Bên cạnh Đình, là Chùa Khánh Vân, thu hút rất nhiều Phật tử
và du khách thập phương tới tham quan, lễ bái.
Hàng năm, từ ngày 06-2 đến ngày 10-2 âm lịch, nhân dân địa
phương nơi thờ Ngài tổ chức lễ hội tế xuân, và lễ các ngày thánh đản ngày 10/8;
ngày thánh hóa 12/4. Lễ rước truyền thống từ Nhà văn hóa ra Đình Phấn Dũng với
quy mô, trang trọng được các dòng họ, nhân dân hào hứng tham gia
Thông qua đôi nét về lịch sử xây dựng, kiến trúc vật chất, nội
dung thờ tự, những cổ vật, di vật còn tại di tích. Đình Phấn Dũng thực sự là một
di sản văn hóa có giá trị cần được bảo vệ và phát huy.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng