Đình làng Phú Đa, Phú Lễ xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội thờ phụng thành hoàng lang là Tam vị tướng Trung Công, Hoằng Công và Dũng Công thời Hùng Vương, danh thần Nguyễn Kính, danh thần nổi tiếng nhà Mạc.
Đến thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm cảm nhận đầu tiên là nét thanh
bình, yên ả của một làng quê, ngôi đình làng nằm khiêm nhường bên bờ sông Tích
vẫn giữ được nét trầm mặc. Theo truyền ngôn của thôn Phú Đa, từ thời vua Hùng
thứ 18 có 3 vị tài năng xuất chúng, văn võ song toàn từ phủ Thiên Trường - Nam
Định lên vùng này sinh sống cùng người dân Phú Đa.
Sau này, 3 vị đã gặp và kết nghĩa anh em với Sơn Thánh Tản
Viên. Khi có quân nhà Thục sang xâm lược, các ngài trở thành bộ tướng của Sơn
Thánh rồi sang Bạch Hạc - Kinh đô cùng với Thánh Tản Viên phò giúp vua Hùng đánh
quân Thục Phán đến xâm chiếm.
Vua Hùng giao cho Sơn Thánh là Đại nguyên soái, chỉ huy hai
đạo thủy bộ đánh quân Thục Phán. Sau khi đánh tan quân xâm lược, vua Hùng xét
công ban thưởng đã sắc phong Đại Tướng quân cho cả ba vị danh tướng, ban cho thực
ấp ở Cần Kiệm. Khi các ngài hóa, dân 3 làng Phú Đa, Phú Lễ, Yên Lạc vô cùng
thương tiếc, tôn vinh là thành hoàng, thờ
phụng ở điện chính của đình làng.
Đình làng Phú Đa
Ngoài thờ 3 vị thành hoàng, là: Trung Công, Hoằng Công và
Dũng Công - các vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh, giúp vua Hùng đời thứ 18 đánh
giặc, bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang, Đình còn phụng thờ ngài Nguyễn Kính, một danh
thần nổi tiếng nhà Mạc, quê ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Đình Phú Đa còn lưu giữ được 16 đạo sắc phong của nhà Nguyễn
từ thời vua Tự Đức. Hiện tại, ở điện chính có 3 cỗ long ngai cổ cùng 3 bản kim
tiên và 1 mũ nạm vàng lưu giữ từ lâu đời.\
Người dân thôn Phú Đa còn rất tự hào kể lại sự kiện tháng
12-1946, tại đình làng, bác Tôn Đức Thắng đã về dự mít tinh và đọc lời kêu gọi
Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện trong đình có bia tưởng niệm sự kiện này.
Đình làng Phú Lễ
Tương tự như đình làng Phú Đa, đình làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm
nằm bên bờ sông Tích, thờ phụng 3 vị thành hoàng, là: Trung Công, Hoằng Công và
Dũng Công - các vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh, giúp vua Hùng đời thứ 18 đánh
giặc, bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang. Đình được xây dựng vào năm 1690-1692, mang kiến
trúc đặc sắc thời Hậu Lê.
Ngày 30-12 năm Đinh Hợi (tức mùng 2 tháng 1 năm 1948), thực
hiện khẩu hiệu “Vườn không nhà trống” để kháng chiến, người dân đã đốt đình
làng Phú Lễ.
Năm 1953, nhân dân địa phương đã hưng công xây dựng lại đình
mới, tuy không đồ sộ như ngày xưa, nhưng vẫn duy trì được nghệ thuật kiến trúc
thời cổ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hợp tác xã đã sử
dụng đình làm kho và trường học, nhân dân rước bài vị các ngài ra quán đầu làng
thờ phụng.
Năm 1989, nhân dân và chính quyền địa phương đã hưng công
trùng tu lại đình, 0rước các vị thành hoàng làng về tiếp tục phụng thờ. Năm
1999, đình tiếp tục được trùng tu khang trang như hiện nay.
Giữ gìn và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ
và tôn vinh công đức của các vị Thành hoàng, nhân dân thôn Phú Đa và Phú Lễ
luôn duy trì mối quan hệ gắn bó keo sơn từ đời xưa cho đến ngày hôm nay.
Cụ Kiều Văn Pha, Trưởng ban khánh thiết đình làng Phú Đa cho
hay, đình có 2 điện thờ thành hoàng, nên đã hình thành 2 lễ hội hằng năm. Lễ hội
điện chính thờ 3 vị đại vương là tướng của vua Hùng khai hội 3 ngày 11,12,13-5
âm lịch. Phần lễ vào ngày 11-5, nhân dân thôn Phú Đa tổ chức rước thánh sang từ
đường trên núi Miễu của xã Cần Kiệm.
Lễ vật để tế thần có gà thờ, ván xôi, trầu cau được phân
công chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu năm; tế thần xong tổ chức hát ca trù, rồi mới rước
về đình. Ngày 12-5, tế chính tiệc vào buổi sáng, chiều và tối 12-5 là ca hát do
các chiếu chèo giữ cửa đình đến phục vụ. Ngày 13-5 là tế tạ và cúng chúng sinh,
sau đó mới đóng cửa đình.
Lễ hội điện ngang diễn ra trong 3 ngày: 11,12, 13 tháng
Giêng, tôn vinh và tưởng niệm Tân kỳ vương Nguyễn Kính. Lễ hội ngài Nguyễn Kính
được nhân dân hai làng Phú Đa và Phú Lễ thờ tổ chức rước vào ngày 11 tháng Giêng. Ngay
từ sáng sớm ngày 11 tháng Giêng, nhân dân hai làng chuẩn bị long ngai và kiệu
bát cống, các trai làng mặc quần áo dài thắt lưng đỏ khiêng kiệu. Ngoài long
ngai, bài vị trên kiệu bát cống còn có 1 hương án rước gà thờ sang từ đường để
tế thần. Những năm làng mở hội lớn, kéo dài 3 ngày, thì buổi chiều hai làng thường
tổ chức đấu vật và đấu gậy hầu ngài, kết thúc giải mới rước kiệu về.
Trải qua biết bao biến
cố, thăng trầm của lịch sử, thời gian, nhưng lễ hội đình làng Phú Đa, Phú Lễ
(xã Cần Kiệm) vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, gắn bó mật thiết với cuộc sống
sinh hoạt cộng đồng, với đời sống tâm linh của người dân ở vùng quê.
Nguồn: Nhịp sống Hà Nội