Đình Phú Điền thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thờ phụng thành hoàng làng là vua bà Triệu Thị Trinh. Đình thuộc Quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu.
Đình Phú Điền là một di tích mang đậm dấu ấn lịch sử. Theo
những tài liệu cổ còn lưu giữ được, đình được dựng vào năm 1772, hướng Tây Bắc,
về phía núi Tùng, nơi đặt Lăng tháp Bà Triệu.
Đình Phú Điền nằm trong
Khuôn viên rộng, xanh mát, được xây dựng với phong cách kiến trúc độc
đáo, chạm khắc tinh xảo, thể hiện tài hoa của những nghệ nhân thời đó. Đình bao
gồm Nghi môn, Chính điện với 2 tòa Tiền đường và Hậu đường liền kề thành hình
chữ “đinh”.
Nghi môn được xây dựng theo kiến trúc tứ trụ biểu, vật liệu
đá xanh nguyên khối, 3 cửa chính phụ thẳng đường thần đạo với tòa đại đình. Hai
trụ biểu chính giữa cao, đỉnh trụ gắn tứ phượng. Đỉnh của trụ biểu hai bên gắn
nghê chầu. Phía dưới là lồng đèn đắp tứ linh. Chân trụ hình cổ bồng. Nghi môn đặt
trên nền cao 5 bậc so với sân trước.
Qua khoảng sân rộng là Tòa Tiền đường, cấu trúc 3 gian chính
điện, 2 chái, chồng diêm 4 mái, kiểu tay ngai, đầu hồi bít đốc, mái hiên phía
trước, cửa bức bàn. Tại tường hồi nhô ra hai trụ biểu với đỉnh trụ có trang trí
nghê chầu.
Tòa Tiền đường có quy mô bề thế với 6 vì kèo gỗ, được lắp đặt
trên 5 hàng cột chiều ngang và 6 hàng cột chiều dọc. Cấu trúc vì kèo theo kiểu
“giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy theo cặp đối xứng”. Hậu cung 3 gian 2 chái, đầu
hồi bít đốc, kết cấu các vì kèo gỗ kiểu “giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy”.
Các mảng phù điêu trang trí tập trung chủ yếu ở Tiền đường
được chạm trổ tinh xảo, công phu, hài hòa với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong, chạm
nổi, chạm chìm đỉnh cao của các nghệ nhân.
Trong đình có nhiều mảng chạm khắc gỗ theo chủ đề tứ linh
(long, ly, quy, phụng), tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), cá chép hóa rồng, hoa
sen, chim sáo, hươu nai, gà trống, con người trong sinh hoạt đời thường.
Đặc biệt, tại đình Phú Điền hiện vẫn còn lưu giữ 64 sắc
phong cổ có ấn chỉ của nhiều triều đại phong kiến, được xem như là một trong những
báu vật của cộng đồng.
Theo thông lệ hàng năm, gần ngày giỗ của Bà Triệu, từ mùng 1
đến 24-2 âm lịch, dân làng chuẩn bị lễ vật như các loại bánh, hoa quả, xôi, gà
mang ra đình và đền thờ để dâng lễ với lòng thành kính, tri ân công đức của Vua
Bà. Hoạt động lễ hội, đặc biệt vào những năm chẵn, được làng chuẩn bị rất cẩn
thận, long trọng và thường kéo dài từ ngày 19 đến hết 23-2 mới làm lễ yên vị.
Ngoài phần lễ còn có phần hội, tại đình làng diễn ra các trò
chơi dân gian đặc sắc của làng Phú Điền như: nấu cơm thi, đánh đu dây, đánh cờ
người.
Ngày 2-10 âm lịch hàng năm, tương truyền là ngày sinh của Bà
Triệu, người dân làng Phú Điền tổ chức Lễ cơm mới dâng Vua Bà.
Đình làng Phú Điền là bảo tàng văn hóa, nghệ thuật và là nơi
người dân đia phương thực hiện các hoạt động tín ngưỡng tâm linh. Đồng thời,
đình gìn giữ các phong tục tập quán, giáo dục lòng biết ơn các vị anh hùng đã
không tiếc máu xương chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, niềm tự hào và trân
trọng những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Ảnh tư liệu: VietLandmarks
Nguồn: Đặng Tú/Bộ môn Kiến trúc Công nghệ/Đại học Xây dựng