Đình Phú Hạnh thuộc làng Phú Hạnh, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thờ phụng thành hoàng làng là hoàng tử Lý Nhã Lang, con trai của vua Lý Phật Tử, cháu của vua Lý Nam Đế.
Theo bảng kê Thần tích - Thần sắc mang ký hiệu số
TT-TS-Q4018/XIII,70F2 của chức dịch làng Phú Hạnh kê khai và truyền kể của nhân
dân thì đình Phú Hạnh thờ thành hoàng là hoàng tử Lý Nhã Lang, giống với đình
Thượng Trưng và các làng khác trong vùng.
Hoàng tử Lý Nhã Lang là con trai Lý Phật Tử và bà Lã Ngọc
Thành (làng Chu Chàng, Quảng Oai, Sơn Tây). Lịch sử hành trạng của Lý Nhã Lang
liên quan đến đình Phú Hạnh được ghi trong ngọc phả hiện còn lưu giữ tại hành
cung chính ở Chu Quyến - Hà Nội, được tóm tắt như sau:
Mùa xuân năm 542, Lý Bí cùng nhân dân chống giặc, giành độc
lập vào tháng 1/544. Lý Bí lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước ta là Vạn Xuân.
Đầu năm 545, Nhà Lương lại xâm lược nước ta, Lý Nam Đế cùng nhân dân chống giặc
nhưng thất bại phải lẩn tránh vào vùng núi, sau đó ông qua đời vì lâm bệnh. Nhà
Lý nhường binh quyền cho Triệu Quang Phục, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt
Vương, đánh thắng giặc Lương, giải phòng đất nước.
Lý Phật Tử là cháu đích tôn của vua tiền Lý Nam Đế vẫn một
lòng chờ thời cơ khôi phục lại quyền hành cho nhà Lý. Lý Phật Tử tuổi đã cao mà
chưa có con trai, được thần báo mộng kết duyên với Lã Ngọc Thành làm phi tần thứ
3. Ngày 1 tháng 2 năm Giáp Dần, bà sinh hạ được người con trai tuấn tú, phi
phàm, thông minh, nhà vua đặt tên là Nhã Lang.
Sau này, nhờ Nhã Lang mà Lý Phật Tử đánh thắng Triệu Việt
Vương. Lý Phật Tử lên Ngôi, hiệu là hậu Lý Nam Đế. Nhã Lang tuy tài giỏi nhưng
là con của phi tần thứ 3 nên Lý Phật Tử không lập làm thế tử được, hai mẹ con
Nhã Lang phải về quê Chu Chàng sinh sống. Chu Chàng là nội cung đóng quân chính
của Nhã Lang. Bấy giờ, ông xưng là Nhã Lang Vương, lập nội cung ở Chu Chàng,
nơi quê mẹ.
Nhã Lang còn lập một số ngoại cung nữa để làm cơ sở như Bích
Chu - Thủ độ, Đan Giang Thượng, Hạ Thiệu, Thượng Trưng thuộc Vĩnh Tường. Khi đến
Thượng Trưng, Nhã Lang thấy hai người con gái xinh đẹp, có đủ đức tính công
dung ngôn hạnh là Bình Thị Ngọc 15 tuổi và Thúy Thị Quế 18 tuổi liền lấy làm vợ.
Nhà Tùy xâm lược nước ta, Nhã Lang vâng lệnh vua cha làm thống
soái đại binh đánh tan quân Tùy. Tương truyền, thắng trận, Nhã Lang cầm thần kiếm
dong chơi và gặp người nhà trời mời ông về ngay không chậm trễ. Nhã Lang tung
kiếm lên trời và bay vào đám mây hồng biến mất.
Thương tiếc người con tài giỏi, có công lớn, nhà vua xuống
chiếu cho lập các đền thờ ở nội cung, ngoại cung, các xã ven sông và các nơi
Nhã Lang đi qua để hàng năm tổ chức tế lễ theo nghi thức của các bậc hoàng thân
quốc thích.
Vùng đất Thượng Trưng xưa vốn là quê của các vợ Nhã Lang, được
lập thành ngoại cung, trong đó có 5 làng/xã cổ là Thượng Trưng, Thọ Trưng, Phú
Hạnh, Phú Trưng, Phú Thứ. Sau này, nhân dân các xã ở Thượng Trưng đều lập đền,
miếu để thờ Nhã Lang Vương. Đến khi có đình thì rước thần hiệu của Nhã Lang vào
đình, làm nơi thờ thành hoàng làng mình, bốn mùa hương khói cúng lễ mong được
thần hiển linh che chở.
Lịch sử của Miếu và Đình, Chùa Phú Hạnh. Sau khi làng Phú Hạnh
được thiết lập năm 1670, quan Trung lộ khoa Lê Khắc Địch cho dân dựng miếu thờ
hoàng tử Lý Nhã Lang. Miếu của Phú Hạnh được làm theo hướng Đông Đông - Nam, tọa
lạc ở trung tâm thôn Phú Hạnh, trên gò đất cao. “Trên, sắc trời mây hồng vần
vũ, khí vượng; dưới, thế đất vững chắc trường tồn, xung quanh đất đai tươi tốt,
phì nhiêu”.
Năm 1720, Lê Khắc Huấn là con dân làng Phú Hạnh học rộng,
tài cao, thi đỗ hương cống Quốc Tử Giám tại khoa thi Hương năm Canh Tý, niên hiệu
Bảo Thái thứ nhất, được bổ làm quan tri phủ Bất Bạt. Khi còn nhỏ, ngoài việc
giúp cha mẹ xay bột, lau lá làm bánh, Lê Khắc Huấn còn chịu khó học hành nên đã
thi đỗ đạt cao.
Đền ơn quê hương, ngài Lê Khắc Huấn phát tâm cho xây dựng
ngôi chùa thờ phật, ngôi đình thờ thành hoàng đức Nhã Lang Vương vào năm 1720
(năm 1720 xây đình, năm 1770 xây chùa).
Đình và chùa Phú Hạnh được xây dựng theo hướng Tây, dưới
nhìn ra sông Hồng, trên nhìn lên núi tản (Ba Vì). Đình và chùa Phú Hạnh được
xây dựng liền một dải chạy từ Đông sang Tây, có chùa chính, đình chính, chùa được
xây theo hình chữ nhị.
Đình và chùa được xây dựng trên dải đất hình con Rùa, có sức
sống trường tồn. Đầu rùa nằm trên gò đất ao Phe nhìn ra sông lớn. Lưng rùa là
khu đất giếng chùa và ở đình chính xưa. Chẳng thế mà trên tang giếng đá của
làng, các cụ ngày trước đã tạc một con rùa biểu tượng cho sự vững chắc, khỏe mạnh
lâu bền mãi mãi. Đuôi rùa nằm ở nơi ta gọi là ao đuôi rùa, bên phải hướng Tây của
đình hiện nay.
Trước đây, đình Phú Hạnh được xây dựng bề thế trên khu đất rộng
lớn. Trong đình có đầy đủ bộ tế lễ, thờ cúng. Sau này, đình và chùa bị phá dỡ,
miếu đình trở thành đình chính làm nơi thờ phụng Đức Thánh nhân.Trong 26 lần được
17 đời vua sắc phong cho đức thánh Nhã Lang Vương thì các đình nội cung và ngoại
cung đều được thụ hưởng gắn liền với các lần sắc phong ấy.
Năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 36 (1883), Lê Đình Ái là
con dân làng Phú Hạnh về kinh dự thi và đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm quan tri
phủ Quảng Oai. Thời kỳ này, Lê Đình Ái cũng phát tâm tu sửa lại đình và chùa
quê nhà.
Năm 1886, đình Phú Hạnh bị phá hoại hoàn toàn. Nguyên nhân
đình Phú Hạnh bị phá là do nhân dân làng Phú Hạnh hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” của
vua Hàm Nghi (từ 1885 - 1896). Nhân dân rèn đúc vũ khí, tích lương thảo, dũng cảm
chiến đấu và giết được một số giặc Pháp. Thực dân Pháp tăng viện binh đàn áp cuộc
khởi nghĩa, đốt làng và phá hủy luôn cả ngôi đình làng.
Năm 1888, nhân dân Phú Hạnh muốn xây dựng lại ngôi đình như
cũ, nhưng không đủ khả năng và cũng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Lúc bấy giờ,
ngay trong dân làng cũng có nhiều quan điểm, quan niệm khác nhau như coi việc
phá hủy đình làng trước đây là biến động lớn của làng, hoặc một bộ phận người
trong làng chịu ảnh hưởng khá nặng của ý thức hệ phong kiến nên đình Phú Hạnh
không được xây dựng lại trên nền đất cũ. Mọi hoạt động văn hóa của làng được
chuyển sang vị trí Miếu của đình.
Miếu Phú Hạnh trước đây gắn liền với các tên gọi của ao, của
ruộng trước mặt và liền kề, gọi là ao miếu, ruộng miếu. Ao miếu bây giờ gọi là
ao đình. Miếu của Phú Hạnh được sử dụng và coi là đình Phú Hạnh từ năm 1888.
Thông thường, Đình ở các làng quê Việt Nam được xây dựng theo hướng Tây hoặc
Nam còn đình của Phú Hạnh hiện tại lại ở hướng Đông Đông - Nam.
Đình Phú Hạnh được trùng tu vào năm 1944. Hiện trên câu đối
của đình còn ghi dòng chữ Hán: “Hoàng Bảo Đại Giáp Thân (1944) trọng hạ cốc nhật
trùng tu đại cát”, nghĩa là: Ngày tốt tháng Năm năm Giáp Thân (1944) triều vua
Bảo Đại cho trùng tu lại đình. Như vậy, đến năm 1944, đình Phú Hạnh đã được tu
sửa, tôn tạo lớn về hậu cung, tọa mạc, cổng, cánh phong, cột đồng trụ… vẫn còn
hình dáng, kiến trúc, di tích tồn tại đến ngày nay.
Năm 1953, hậu cung đình bị bom đạn giặc Pháp làm hư hỏng nặng.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc được giải phóng và bắt đầu
tiến lên xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Từ 1954 đến 1963, làng Phú Hạnh thực
hiện đầy đủ những công việc theo quy định của nhà nước như giảm tô, cải cách ruộng
đất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.
Cũng trong thời kỳ này, tư tưởng bài trừ các hủ tục phong kiến
lạc hậu phát triển rất mạnh trên khắp miền Bắc, trong đó có làng ta. Đình, chùa
giảm việc thờ cúng, thậm chí cổng đình, tọa mạc, các cột đồng trụ, cánh phong bị
phá dỡ thật đáng tiếc.
Đến năm 1964, hậu cung đình bị dỡ bỏ hoàn toàn để mở rộng diện
tích làm hội trường; nền móng, tường hậu, sân đình đều bị đào ngang, xẻ dọc làm
hầm trú ẩn phục vụ cho cán bộ, học viên Trường Nguyễn Ái Quốc sơ tán về học tập.
Năm 1996, đình Phú Hạnh được làm lại hậu cung nhưng nhỏ hơn
hậu cung trước đây và sửa chữa phần mái cũng như một số sửa chữa nhỏ khác.
Có thể nói, Miếu và Đình Phú Hạnh được xây dựng khá sớm. Miếu
xây dựng năm 1670, tính đến năm 2015 là 345 năm. Đình chính của Phú Hạnh được
xây dựng năm 1720, tính đến năm 2015 là 295 năm. Chùa được xây dựng theo hình
chữ nhị năm 1770, tính đến năm 2015 là 245 năm. Do đình bị phá hủy, miếu Phú Hạnh
được tu sửa và trở thành đình để thờ thành hoàng đức Nhã Lang Vương được tính
và tồn tại đến năm 2015 đã là 345 năm.
- Những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến đình Phú
Hạnh
Niên hiệu Hoàng triều Bảo Đại 13 (1938) quy định: Ngày tốt
tháng Giêng các xã cúng thờ thần, kê khai dưới đây:
+ Tỉnh Sơn Tây: Thờ chính ở xã Chu Quyến, Châu Chàng, Bình
Lũng.
+ Tỉnh Vĩnh Yên có các tổng: Bích Chu, Thủ Độ, Đồng Phú và
Thượng Trưng. Tổng Thượng Trưng gồm các làng/xã: Thượng Trưng, Thọ Trưng, Phú Hạnh,
Phú Trưng và Phú Thứ (Viện nghiên cứu Hán nôm).
Theo bảng kê Thần tích - Thần sắc mang ký hiệu số
TT-TS-Q4018/XIII,70F2 của chức dịch làng Phú Hạnh kê khai thì hàng năm làng có
5 lễ tiệc vào các ngày: Mùng 7 tháng Giêng, mùng 2 tháng 5, mùng 7 tháng 9, 18
tháng 10 và mùng 7 tháng 11.
Trước đây, hàng năm tại đình làng Phú Hạnh, nhân dân cũng tổ
chức dâng hương, cầu cúng vào các ngày tuần tiết giống hầu hết các làng quê Bắc
Bộ như: Mùng 3 tháng Ba là tiết Hàn Thực, mùng 5 tháng Năm là tiết Đoan Ngọ,
mùng 10 tháng Mười là tiết Trùng Thập, mùng 1 tháng Sáu là tiết Hạ Điền và mùng
1 tháng Mười là tiết Thượng Điền.
- Đình Phú Hạnh với những sự kiện lịch sử trong các cuộc
kháng chiến của dân tộc. Làng Phú Hạnh là nơi có bề dày truyền thống yêu nước,
cách mạng. Đình làng Phù Hạnh đã lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, các sự kiện cách
mạng. Có 11 sự kiện tiêu biểu diễn ra tại đình Phú Hạnh như sau:
+ Tháng 8/1941, đào hầm ở hậu cung đình để cất giấu vũ khí,
tài liệu.
+ Đầu tháng 6/1945, Tổng ủy Thượng Trưng họp tại đình, phổ
biến chủ trương của Tổng bộ Việt Minh cho số người làm cách mạng về mở vùng giải
phóng, xây dựng lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
+ Từ tháng 6 - 8/1945, đình Phú Hạnh là nơi tập quân sự, võ
thuật của lực lượng vũ trang xã.
+ Tháng 8/1945, đình Phú Hạnh là nơi tập kết và xuất quân tiến
vào phủ Vĩnh Tường giành chính quyền.
+ Sau khi giành chính quyền, Ủy ban dân tộc giải phóng lâm
thời làng/xã Phú Hạnh tổ chức bầu cử tại đình, bầu các chủ tịch, phó chủ tịch.
+ Tháng 3/1946, đình Phú Hạnh là địa điểm diễn ra cuộc bỏ
phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
+ Tháng 4/1946, Hội đồng nhân dân xã khóa đầu tiên họp tại
đình, bầu chủ tịch hành chính xã, chọn đình Phú Hạnh làm trụ sở làm việc.
+ Từ năm 1947 đến 1948, đình Phú Hạnh là trụ sở làm việc của
Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Vĩnh Tường. Đình Phú Hạnh còn đặt lớp học
“bình dân học vụ”, nơi tuyển quân, tập quân sự, hội diễn văn nghệ…
+ Từ năm 1946 đến 1953, đình chùa Phú Hạnh là nơi thu nhận
thương binh về chữa trị.
+ Từ năm 1954 đến 1964, nhiều cơ quan, đoàn thể, trường học
của xã và huyện làm việc, hội họp tại đây. Năm 1964, Đảng bộ và Ủy ban hành
chính xã Minh Đức họp tại đây thống nhất trình lên Chính phủ đổi tên xã. Tháng
8/1965, xã Minh Đức được trả lại tên cũ là xã Thượng Trưng.
+ Từ năm 1964 đến 1967, đình và chùa Phú Hạnh đón nhận cán bộ,
học viên của Trường Nguyễn Ái Quốc sơ tán về học tập.
- Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ tâm linh đình
chùa Phú Hạnh
+ Đình Phú Hạnh là nơi thờ tự thành hoàng làng Lý Nhã Lang của
cộng đồng dân làng Phú Hạnh xưa và nay, chùa dùng để thờ phật. Đình đã được nhiều
lần tu sửa lớn, nhỏ. Hiện đình có kiểu dáng, quy mô kiến trúc ở đầu thế kỷ XX.
+ Đình Phú Hạnh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong các
cuộc kháng chiến của dân tộc.
+ Ngoài việc có chức năng để thờ cúng thành hoàng làng, đình
Phú Hạnh còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân Phú Hạnh.
Trải qua những biến thiên của thời gian và lịch sử, ngôi
đình làng đã bị xuống cấp, với chủ trương xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo xây
dựng lại ngôi đình nhằm mục đích gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của quê
hương. Theo nguyện vọng của nhân dân, với sự ủng hộ của các cấp chính quyền,
UBND xã Thượng Trưng đã triển khai kế hoạch trùng tu tôn tạo, thực hiện thi
công các hạng mục công trình Đình làng.
Đây là công trình mà cán bộ, nhân dân có ước nguyện từ lâu,
sau một thời gian phát động, sau thời gian hơn 4 tháng tập trung thi công, Ngày
25/02/2024, ngôi đình và toàn bộ khuôn viên được hoàn thành khang trang mang đậm
nét văn hóa của làng.
Nguồn: Làng Phú Hạng