Đình Thiên Mã thuộc làng Thiên Mã, xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, thờ phụng Tam thánh Tản Viên triều đại Hùng Vương thứ 18.
Làng
Thiên Mã vào thời Trần thuộc lộ Quốc Oai, đến thời vua Lê Thánh Tông
thuộc đạo Sơn Tây. Đầu thế kỷ XIX, Thiên Mã thuộc xã Triều Đông, huyện
Thạch Thất, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1945 Thiên Mã thuộc xã Cổ
Đông, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây.
Đình nhìn theo hướng tây
nam, có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” gồm nhiều hạng mục công trình: Đại
bái, Hậu cung, hai dãy Tả hữu vu, Nghi môn trụ biểu và hệ thống sân vườn
rộng rãi, thoáng đãng. Hai bên lối đi chính là 2 trụ biểu cao, phía
trên cùng của trụ biểu có đắp nổi tứ linh phượng chầu cách điệu hoa
dành. Thân trụ bên dưới được ghi các câu đối bằng chữ Hán với nội dung
ca ngợi cảnh đẹp quê hương và công đức của các vị thành hoàng làng.
Từ
sân đình lên đến Đại bái qua 5 bậc thềm bằng đá xanh, hai bên là đôi
rồng đá nằm chếch theo bậc lên xuống xen lẫn với hoa văn mây cụm mang
đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII. Đại bái là một ngôi
nhà ngang 3 gian 2 dĩ, bốn mái đình xoè rộng lợp ngói mũi nhỏ, bờ nóc,
bờ đao đắp bờ đinh, 2 đầu bờ nóc là 2 con kìm bằng vôi vữa. Cuối bờ dải
ra đến góc tàu đạo trang trí rồng cuộn cách điệu. Vào bên trong, các bộ
vì được làm theo 2 kiểu thức khác nhau chút ít trên mặt bằng 4 hàng chân
cột gỗ.
Hai bộ vì gian giữa có kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng
rường nách, hạ tiền rường nách hậu kẻ, bẩy” mang phong cách kiến trúc
thời Lê. Hai bộ vì gian bên được làm theo kiểu “thượng ván mê trạm hổ
phù, hạ chồng rường, kẻ suốt”.
Hậu cung là một ngôi nhà dọc 3 gian được
làm kiểu tường xây hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói. Các bộ vì đỡ
mái làm thống nhất theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ
chuyền xà nách”. Gian trong cùng của Hậu cung, ở giữa mở hệ thống cửa
lửng cao cách mặt đất khoảng 120cm, 2 bên mở 2 lối đi nhỏ vào Thượng
cung. Bên trong Thượng cung, là bậc nhị cấp là nơi đặt long ngai bài vị
các vị thành hoàng làng.
Đình Thiên Mã thờ Tam vị Tản Viên Sơn
thánh. Theo cuốn ngọc phả do quan Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn
Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì Tam vị Tản Viên Sơn
như sau: Vào đời Duệ Vương ở động Lăng Xương, có hai anh em họ Nguyễn,
tuổi đã cao mà chưa có người nối dõi. Một hôm, hai anh em đi du chơi ở
núi và gặp một vị tiên xin được ban phúc.
Sau đó, vợ chồng người em sinh
được 2 người con trai đặt tên con là Sùng Công và Hiển Công. Người anh
Nguyễn Cao cũng sinh một đặt tên là Tuấn Công. Ba anh em thiên tư dĩnh
ngộ, thông minh hơn người, văn võ song toàn. Năm ba anh em 18 tuổi, cha
mẹ hai bên đều qua đời, sau ba năm mãn tang, ba anh em cùng nhau đến núi
Tản làm con nuôi cho Ma Thị Cao Sơn thần nữ. Thần nữ cho là những đứa
con hiếu thảo, lập chúc thư giao hết núi rừng, sông núi, điền địa cho
Tuấn Công (hiệu là Tản Viên Sơn Thánh), Sùng Công ở Non sơn hiệu là Tả
Kiên Thần, Hiển Công ở Lãng sơn hiệu là Hữu Kiên Thần. Năm đó Tản Viên
được Hùng Duệ Vương gả công chúa Mỵ Nương ban cho thực ấp và phong cho
tước hiệu. Ông có công lớn với dân trong việc phát triển cái thiện, tiêu
trừ cái ác, dạy dân thuần phong mỹ tục... Vua Duệ Vương phong cho Sùng
Công làm Tả Đô Đài đại phu và Hiển Công làm Hữu Đô Đài đại phu và cho
lập hành cung tại thôn Thủ Trung.
Đến khi Thục Vương đem binh đến xâm
lược cương vực, Duệ Vương lệnh cho Sơn Thánh cùng Sùng Công và Hiển Công
đem quân đi đánh. Vâng mệnh vua, Tam vị đã lấy gia nhân ở trong thôn và
trong huyện cùng thuyền ngựa với 10 vạn binh tiến đánh quân giặc ở vùng
thủy Hoan Châu. Quân Thục đại bại. Vua ban chiếu gia phong cho các
tướng sĩ, phong cho Sơn Thánh làm Nhạc phủ kiêm Thượng Đẳng Thần, Sùng
Công làm Cao Sơn đại vương và Hiển Công làm Quý Minh đại vương ban cho
trở về thôn Thiên Mã làm lễ ăn mừng. Khi các ngài hoá, dân làng được thờ
Tam vị đại vương làm thành hoàng làng.
Trải các triều Đinh, Lê,
Lý, Trần thần đều tỏ rõ linh thiêng giúp dân cứu nước nên các đời vua
đều gia ban phong sắc để muôn đời mãi mãi phụng thờ. Do vậy các đời vua
đều có gia ban mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, muôn đời thờ cúng, phúc
lộc muôn thủa, hàng năm cúng tế lập thành quy thức, không bao giờ đổi
thay.
Trải qua thời gian, đình Thiên Mã còn lưu giữ được khá nhiều
di vật quý, trong đó đáng chú ý là 3 long ngai gỗ tạo tác phong cách
nghệ thuật thời Nguyễn; 1 hương án gỗ sơn son thếp vàng, phong cách nghệ
thuật thời Nguyễn; 1 giá văn gỗ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; 1
bia có niên đại Gia Long năm thứ 6 (1807); 2 đạo sắc phong.
Lễ hội truyền thống đình Thiên Mã được tổ chức vào đầu xuân từ ngày 7 đến hết ngày 8 tháng giêng.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2004./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02