Đình Ứng Thiên, ngõ 151 phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội có từ thời Lê trung hưng, thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Vĩnh Gia công chúa, Linh Lang hoàng tử, Từ Lương tôn thần. Đền Ứng Thiên có từ thời Lý, thờ nữ thần Địa Mẫu (Nguyên Quân Hậu Thổ). Cụm di tích được xếp hạng Di tich lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1992.
Đình Ứng Thiên còn được gọi là đình Láng Hạ, thuộc phường
Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trước kia, vùng đất này thuộc trại An
Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, ven kinh đô Thăng Long, vốn nổi tiếng với
nghề trồng rau, được biết đến trong ca dao cổ của Hà Nội: “dưa La, húng Láng,
nem Báng, tương Bần”.
Sử sách xưa đã ghi chép đầy đủ về thời điểm ra đời của di
tích đình Ứng Thiên dưới thời vua Lý Thánh Tông (1504- 1072). Sang thời Trần,
sách Đại Việt Sử Lược" - (cuốn sử xưa nhất của nước Việt ta viết năm 1377)
cho biết: Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền
Hậu Thổ.
Đến đời Lê Trung Hưng, (TK XVII, XVIII) để đáp ứng chức năng
sử dụng của ngôi đình làng, đền Ứng Thiên đã được quy hoạch và mở rộng thêm. Tiếp
đó đình còn trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Niên đại tu sửa cuối cùng của
triều Nguyễn hiện được ghi trên thượng lương của nhà hậu cung là năm Thành Thái
thứ hai (1890).
Thần tích lưu giữ tại đình kể rằng: Đình Láng Hạ có nguồn gốc
từ ngôi đền cổ được vua Lý Thánh Tông xây dựng
sau cuộc nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1069. Đền thờ nữ thần Nguyên
Quân Hậu Thổ, có công giúp vua đánh thắng quân giặc trong cuộc chinh phạt này.
Sang thời Lê Trung Hưng do sự phát triển của tín ngưỡng thờ
thần hoàng làng, đền Ứng Thiên được mang chức năng sử dụng của kiến trúc đình
làng. Ngoài ra đình còn thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: Linh
Lang, Hoàng tử - con vua Lý được tôn là người bảo vệ phía tây của "Thăng
Long tứ Trấn"; Cao Sơn Đại Vương, vị sơn thần trên núi Tản lập nhiều kỳ
tích trong cuộc đấu tranh chống thiên tai và quân xâm lược phương Bắc; Công
chúa Vĩnh Gia, một vị tướng xuất sắc
trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Theo sách “Việt Điện U Linh” thì Nguyên Quân tức thần cõi nước
Nam. Khi xưa vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Chiêm Thành đến cửa biển, bỗng nhiên trời
nổi mưa gió, sóng cuộn trùm lên trông như những dãy núi, tàu thuyền của nhà vua
đều không thể qua được, buộc phải đậu ở bên bờ cát ấy.
Đêm hôm ấy, nhà vua nằm mộng thấy một người con gái áo trắng,
quần hồng duyên dáng, lộng lẫy bước lên thuyền rồng mà nói rằng: Ta vốn là tinh
khí của nước Nam đậu trên cây đã lâu, nay gặp Minh Vương đem quân đi chinh phạt,
ta nguyện gắng sức theo vua đi để lập ít võ công, rồi thần biến mất.
Nhà vua sợ hãi gọi trăm quan và người già tới kể cho họ nghe
về giấc mộng của mình. Vị tăng thống tự Huệ Sinh thưa rằng: Hoàng thượng nằm mộng
thấy thần nhân đến nói đậu ở trên cây có thể tìm thấy được. Thế rồi bèn sai những
người thân cận tìm khắp các ngọn đồi trên bờ thì thấy một khúc gỗ giống tượng
thần có nét như người mà vua đã gặp trong giấc mộng.
Vua bèn sai mang đặt ở thuyền rồng, đốt hương cầu đảo, ban
hiệu là: Hậu Thổ Phu Nhân; chỉ trong giây lát gió lặng sóng yên, đoàn thuyền khởi
hành thuận lợi.
Sau khi dẹp được giặc Chiêm Thành trở về qua chỗ cũ, nhà vua
ban Sắc dựng đền thờ thần, bỗng nhiên từ đâu sóng lại nổi lên cuồn cuộn như
xưa, Huệ Sinh dâng tấu thưa rằng: Thần không vừa ý nên đã ẩn tránh xa bờ, mong
được trở về kinh đô, thế rồi sóng biển bình lặng. Về đến kinh sư, vua sai dựng
đền miếu ở hương An Lãng để thờ Ngài, đền thờ rất linh thiêng.
Đời Trần Anh Tông, hạn hán lớn, nhà vua bèn dựng đàn cầu đảo,
thần bèn thác mộng với vua rằng: Bản đền có Câu Mang Thần Quân có thể làm mưa
được. Tỉnh dậy, vua sai quan Hữu Ty đến làm lễ, quả nhiên mưa lớn lan tràn, vua
phong Ngài là Ứng Thiên Hậu Thổ Phu Nhân, dưới Hậu Thổ Phu Nhân có Câu Mang Thần
Quân coi về mưa xuân, nên từ nay phải làm lễ mùa xuân, rồi phải đem trâu đất đặt
ở dưới đền thờ.
Trải qua các triều đại, thần đều được ban tặng Sắc phong với
nhiều mỹ tự. Đôi câu đối trong đình hiện nay đã nói lên công tích của vị thần:
Trợ Lý bình Chiêm thiên cổ tích
Phù Trần bái vũ vạn dân an
Dịch nghĩa:
Giúp vua Lý đánh giặc Chiêm nên thiên cổ tích
Giúp vua Trần làm mưa lớn yên được lòng dân
Hàng năm, cứ đến độ xuân thu nhị kỳ (vào các ngày từ mùng 6
đến mùng 8 tháng 3 âm lịch và 26 tháng 9 âm lịch), lễ hội Đình Ứng Thiên được
long trọng tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham dự.
Ngoài thờ thần Nguyên Quân Hậu Thổ, đình Ứng Thiên còn phối
thờ thêm 4 vị là: Cao Sơn Đại Vương, Linh Lang Đại Đương, công chúa Vĩnh Gia và
Từ Lương Tôn Thần.
Đình Ứng Thiên được dựng theo hướng Tây Nam trông ra sông Tô
Lịch. Các công trình kiến trúc của đình được bố cục theo kiểu chữ “Công” trên một
trục thần đạo. Mở đầu kiến trúc là Nghi Môn xây bằng đá xanh dạng chồng diêm
hai tầng 8 mái, trang trí đề tài tứ linh, tứ quý, hoa thị, vân lá,… tạo nên sự
uy nghi cho kiến trúc.
Tòa Đại Bái gồm 5 gian, 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc, mái
ngói ta, 3 gian giữa mở cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”, hai gian hồi mở
cửa chữ “Thọ” tạo sự thông thoáng bên trong nội thất. Bộ khung gồm 6 vì gỗ kiểu
“Thượng chồng rường, hạ kẻ” được chạm khắc, trang trí các đề tài lá lật, vân
mây mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tòa Phương Đình hình vuông, xây dạng chồng diêm hai tầng 8
mái, với các đầu đao cong tạo cảm giác bay bổng của kiến trúc. Bên trong đặt một
hương án cỡ lớn, phía trên hương án là bức Hoành phi “Ứng Thiên hiển thánh” và
bức Cửa võng chạm rồng chầu mặt trời, quy, điểu, tứ quý mang phong cách nghệ
thuật thời Nguyễn. Hai bên Phương Đình có hai nhà Tả Vu – Hữu Vu, mỗi dãy 3
gian, xây gạch đơn giản theo kiểu “Quá giang gối tường”.
Hậu Cung là nếp nhà ngang 3 gian, hệ khung gỗ đỡ mái kết cấu
kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền”. Sát tường hậu bên hữu dựng
tấm bia ghi tên những người được bầu làm Hậu thần tại đình.
Khu vực sâu và thâm nghiêm nhất đặt tượng của nữ thần Nguyên
Quân Hậu Thổ và hai vị phù tá.
Tượng đặt trong Khám thờ lớn, có kích thước tương ứng với
người thật, khuôn mặt phúc hậu, gần gũi với phong cách tạo tác tượng Mẫu ở thế
kỷ XIX.
Đình Ứng Thiên còn lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm có giá
trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, như: Khám thờ, Hương án, Chấp kích, Hoành
phi, Câu đối, Cửa võng,… mang niên đại nghệ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt là hệ
thống di văn gồm: 01 cuốn Thần phả, 15 đạo Sắc phong có niên đại từ thời Lê
Trung Hưng, Tây Sơn đến thời Nguyễn cùng chuông đồng, bia đá,... Đây là những
tư liệu vô cùng quý hiếm, giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình hình
thành, phát triển của di tích cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa của địa
phương trong tiến trình lịch sử.
Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn của nữ thần Hậu Thổ phu nhân
và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, lễ hội đình Ứng Thiên lại được tổ
chức từ ngày 6 đến 8/3 âm lịch. Ngoài các nghi lễ chính như: lễ mộc dục, lễ
dâng hương, lễ tế…, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa,
văn nghệ phong phú như: hát quan họ, diễn chèo, chơi cờ tướng, thi chọi gà…
Với những giá trị tiểu
biểu đó, đình Ứng Thiên đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc
gia năm 1992.
Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam