Đình Nội Lâu Thượng thuộc khu 6, (Xóm Sải cũ) xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đình thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Nhị vua Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thành hoàng làng Tiên sinh Lý Hồng Liên.
Theo huyền tích lịch sử, Cao sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương
là anh em kết nghĩa của Sơn Thánh Tản Viên, đã có công phò giúp Hùng Vương thứ
18 đánh quân Thục xâm lược, bảo vệ nhân dân khỏi lũ lụt, thiên tai, Nhị vị vua
Bà Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm Đông Hán và Thành hoàng
Lý Hồng Liên là người đã có công dạy học cho dân làng.
Năm 1954 xã Trưng Vương chia ra làm nhiều xã thì 2 thôn Nội
và thôn Ngoại lại lập thành một xã gọi là xã Lâu Thượng - huyện Hạc Trì - tỉnh
Phú Thọ, hiện là thôn Lâu Thượng, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú
Thọ. Do đình nằm ở Thôn Nội nhên nhân dân gọi là Đình Nội Lâu Thượng.
Trước đây khi xã Lâu Thượng còn gọi là Kẻ Sủ thì chỉ có một
Đình gọi là Đình Rỡ; Kẻ Sủ có được nhiều phúc lộc, dân số ngày càng đông, nên
người dân chia làm hai thôn gọi là Thôn Ngọc Vũ nội và thôn Ngọc Vũ ngoại. Đồng
thời cũng chia đình Rỡ làm hai, khi chia đình thôn Ngoại ở gần được nhiều hơn,
thôn Nội chỉ lấy được nồi hương.
Sau đó hai thôn mang đơn kiện quan Phủ, quan xét thôn Nội được
làm Anh vì giữ nồi hương là đồ thờ chính trong Đình. Đến nay thôn Lâu Thượng xã
Trưng Vương có hai đình là đình Nội Lâu Thượng và đình Ngoại Lâu Thượng.
Đình Nội Lâu Thượng có kiến trúc đồ sộ, kết cấu kiểu chữ
Đinh, hướng Đông Nam, đình nằm trên khu đất rộng bằng phẳng phía trước có đầm
ao.
Ngôi đình gồm 5 gian được kết cấu bằng những chiếc cột với
đường kính, kích cỡ khác nhau, các xà ngang, dọc ăn mộng với nhau tạo thành
khung đình vững chắc. Đình có 4 mái uốn đầu đao hoa văn cách điệu, bờ nóc, bờ
giải, bờ chảy trang trí đơn giản, lợp mũi hài rất đẹp.
Đình được được tu sửa vào năm 2000 và năm 2012, chất liệu chủ
yếu là gỗ, gạch, ngói. Tổng diện tích là 1023,6m2 gồm 03 gian đại bái, 01 hậu
cung, toàn bộ cột gỗ, mái lợp ngói âm.
Vì nóc làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, câu đầu đặt
trên đầu hai cột cái, khóa mộng chốt. Đỡ dưới câu đầu là các đầu dư chạm khắc
thành rồng ngậm ngọc. Các vì nách được làm kiểu cốn chồng rường, các con rường
được chồng khít lên nhau không dùng đấu kê tạo thành mảng kín để chạm khắc
trang trí”. Liên kết hiên kiểu kẻ suốt, ăn mộng từ thân cột quân qua cột hiên đỡ
dạ tàu mái. Các xà ngang được ăn mộng với nhau tạo thành khung đình vững chắc.
Trang trí trong đình tập trung vào chủ đề rồng, được chạm
bong, sâu mang phong cách đặc trưng cuối thế kỷ. Rồng mặt ngắn, tai to, mắt lồi,
miệng rộng, chân có móng sắc nhọn. Một số rồng trên kẻ suốt mái hiên có thế
vươn ra ngoài, đầu dài, mũi to, chạm theo tích Cá hóa rồng.
Đình còn lưu giữ 1 trống cái, lọng, cờ, tàn tán, 1 hương án,
1 lư hương, nhiều lọ bình hoa các loại. Cổ vật gồm có 2 bát hương chất liệu gốm
sành, đồ thờ tự.
Đình Nội Lâu Thượng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Tỉnh
theo Quyết định số 04/QĐ - UBND ngày 03/01/2007.
Ảnh tư liệu: Nguyễn Huân/Đền Miếu Việt
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Việt Trì