Đình Phúc Lộc thuộc phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, thờ phụng Tam vị Thành hoàng: Đông Hải Đại Vương tôn thần, Tích Lịch tôn thần, Linh Ứng tôn thần. Các ngài đều không rõ thần tích, được nhân dân thờ phụng bằng bài vị.
Theo các cụ cao niên kể lại, Làng Phúc Lộc xưa thờ 5 vị thành hoàng làng ở đình và miếu. Tại đình hiện thờ 3 ngài thành hoàng làng là: Đông Hải Đại Vương tôn thần, Tích Lịch tôn thần, Linh ứng tôn thần.
Còn 2 vị Minh Nga công chúa tôn thần và Trần Huệ giám sát hiển linh tôn thần thờ ở miếu. Tại đình Phúc Lộc hiện còn lưu giữ dược 4 bản sắc phong từ đời vua Thành Thái cho đến đời vua Khải Định.
Đình làng Phúc Lộc xưa khởi dựng từ thờ Hậu Lê, thế kỷ XVII, XVIII. Đại đình có bố cục kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian 2 dĩ bái đường và 1 gian hậu cung. Kết cấu bộ khung chịu lực làm hoàn toàn bằng gỗ lim, có ván sàn lòng thuyền, chéo đao tàu góc.
Nhưng những dấu tích hiện còn lại cho thấy: Chân tảng đá kê cột, tảng kè hiên, cho thấy, đình có niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX. Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 – 1954), để phục vụ kháng chiến, đình Phúc Lộc cũng như một số ngôi đình khác trên địa bàn xã đều được tháo dỡ. Toàn bộ số vật liệu gỗ được xẻ để làm hầm nuôi giấu cán bộ kháng chiến.
Đến năm 1998, nhân dân đã phục dựng lại ngôi đình bằng vật liệu gỗ của ngôi chùa, do chùa bị bom Mỹ tàn phá.
Đại đình được phục dựng bằng vật liệu bê tông, cốt thép, mái làm kiểu chéo đao, tàu góc, lợp ngói mũi hài. Đầu đao đắp chim phượng và đầu rồng. Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật, lưỡng kìm ngậm bờ nóc, hai bờ dải phía trước đắp nghê. Các linh thú đều được trang trí bằng mảnh gốm hoa lam và tạo dáng câu đối hài hòa, đẹp mắt. Hai bức tường phía trước tòa đại đình được trổ hai ô cửa sổ, trong lồng hai chữ cách điệu.
Tòa đại đình gồm 6 bộ vì được làm bằng bê tông cốt thép. Vì nóc kiểu chồng đấu giá chiêng, vì nách chồng rường cốn mê. Hoa văn trang trí đề tài đấu sen, lá lật cách điệu
Tại tòa hậu cung, tiếp giáp giữa tòa trung đường và tòa hậu cung có bức cửa võng chạm nổi, chạm bong kênh chủ đề lưỡng long chầu nguyệt. Vì kèo gian giữa hậu cung được chạm khắc dày đặc theo chủ đề tứ linh. Hậu cung (cung cấm) là nơi thành hoàng ngự, nên Hậu cung có nhiều mảng trang trí, chạm khắc cầu kỳ tinh xảo nhất.











Qua cuộc chiến tranh, đình bị hủy hoại cả về kiến trúc công trình lẫn nhiều đồ thờ tự, tế khí, di vật, cổ vật. Tuy nhiên, đình Phúc Lộc vẫn bảo lưu được một số di sản như: Đại đức 3 bức, được sơn son thiếp bạc; câu đối lòng máng, nền sơn then, chữ Hán khảm trai, long ngai, bài vị 3 bộ, lọ lộc bình, bát hương…
Hằng năm, sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống của đình làng Phúc Lộc diễn ra vào các ngày: 4/1 - tế Kỳ phúc; 1/12 - tế Chạp thần. Phần hội, thường tổ chức các trò chơi dân gian như: Đánh cờ tướng, đi cầu thùm, biểu diễn chèo, chọi gà, kéo co… Vào những ngày này, mọi người thường tụ hội về đây, cùng nhau sinh hoạt văn hóa tâm linh, ôn lại những truyền thống tốt đẹp của dân làng.
Ngày 17 tháng 01 năm 2014, Uỷ ban nhân dân thành phố ra quyết định số 227-QĐ/UBND công nhận đình Phúc Lộc, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh là Di tích Lịch sử cấp thành phố.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng